Sau này, khi đã tự mình kiếm được tiền để trang trải cho các khoản sinh hoạt hàng ngày bao gồm cả "tình phí" thì cà phê lại trở thành một thứ đồ uống không thể thiếu được. Nhất là trong lúc này, khi chính mình đang dùng cà phê để tăng thêm cảm hứng viết về nó, với rất nhiều nỗi nhớ quê hương đan xen nhau của các buổi chiều hè ngồi cạnh người yêu bên hồ, hay những đêm đông trong một góc nhỏ của quán nước ven đường.
Cái ngày đầu tiên ấy, cái ngày đầu tiên đưa bạn gái vào quán cà phê, tôi đã dõng dạc gọi “một ly cà phê tan” và tự thưởng cho mình cái cảm giác sành điệu của kẻ từng trải. Ngay sau khi chọn xong đồ uống, tôi ngỡ ngàng nhìn xung quanh và phát hiện ra mình đang rất lạc lõng giữa những con mắt vừa quen vừa lạ của khách hàng xung quanh. Anh phục vụ, như để chữa ngượng cho tôi, đã nói: “Có phải anh muốn uống một ly nâu không?”. Chợt hiểu ra, tôi chộp lấy cơ hội và gật đầu ngay không quên kèm theo một lời cảm ơn và một cái nháy mắt.
Sau sự cố nho nhỏ ngày đó, tôi bắt đầu để ý nhiều hơn đến các loại cà phê, các cách thức uống và thời điểm người ta hay uống nhất. Dường như chẳng có một quy luật chung nào cả. Tôi cứ nghĩ, những người nghiền cà phê hình như uống bất kể lúc nào, bất kể ở đâu và bất kể loại nào. Đưa thắc mắc này ra với bạn gái (mà bây giờ đang là mẹ của con trai tôi) thì lại bị hớ thêm một lần nữa. Theo cô ấy, với những người sành cà phê thì họ chỉ thích uống ở một vài địa điểm quen thuộc, với chủng loại cà phê mà họ thực sự yêu thích, sau hàng năm trời sàng lọc qua hàng trăm loại cà phê đã có trên thị trường. Hơn thế nữa, họ chỉ uống vào những giờ nhất định chứ không uống vô tội vạ như chính tôi bây giờ. Họ uống cà phê mà như không uống. Họ uống mà không hề để ý đến việc mình đang uống gì. Ấy thế mà nếu một ngày nào đó, chủ quán quá tay thêm vào một chút nước, ngay lập tức họ sẽ nhận ra một điều khác lạ đang diễn ra. Nó như báo hiệu một ngày mới tốt lành đang đến, hoặc cũng là một đêm trằn trọc vì một bóng hồng bỗng thoáng qua và sẽ không bao giờ gặp lại.
Giờ đây, ngồi trong một góc nhỏ của căn phòng, nhấm nháp ly cà phê - mà đúng hơn là uống cốc cà phê được pha một cách rất công nghiệp ở một đất nước vừa ăn, vừa uống, vừa lái xe... để chạy theo thời gian, tôi mới hiểu được cái giá trị của những buổi sáng sớm tinh mơ ngồi ngắm đường phố, ngắm mọi người và ngắm những giọt cà phê đang nối đuôi nhau nhỏ xuống tưởng như không bao giờ dứt. Cứ mỗi lần có người ở Việt Nam sang thì điều đầu tiên tôi nhắn gửi là mang theo một vài gói cà phê làm quà, và cho dù rất muốn giữ lại cho riêng mình, thì cuối cùng những gói cà phê ấy lại nghiễm nhiên nằm trong tủ bếp của một gia đình bạn bè nào đấy. Cũng tiếc đấy, cũng buồn đấy nhưng cứ nghĩ đến cảnh người bạn cầm ly cà phê của Việt Nam thì lại thấy mình muốn tặng cho họ nhiều hơn. Tặng quà bằng cà phê không chỉ để bày tỏ tấm lòng của người Việt, mà đồng thời qua đó cũng muốn giới thiệu một chút gì đó về những sản phẩm của quê nhà và những khía cạnh văn hoá của Việt Nam.
Tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài đã đến Việt Nam, tôi được biết ngoài phở, bún chả, nem rán... thì cà phê Việt Nam cũng là một trong những thứ không thể nào quên sau khi họ trở về. Uống cà phê ở Việt Nam không giống như ở nước ngoài, nơi mà cà phê được cho vào những chiếc cốc bằng giấy ép, vào cốc thuỷ tinh to như chiếc cốc thường được dùng để uống bia hơi ở Việt Nam. Họ vừa đi vừa uống, vừa nói chuyện. Họ uống mọi chỗ, mọi nơi và mọi lúc. Họ cũng có rất nhiều loại cà phê khác nhau và hương vị cũng rất thơm. Nếu ai muốn thử hương vị của nó thì có thể đến các khách sạn nhiều sao ở Việt Nam, chắc chắn sẽ được thưởng thức những ly cà phê pha theo kiểu công nghiệp như thế.
Nói đến chuyện uống cà phê, tôi lại liên tưởng đến những buổi tiếp khách quốc tế ở Việt Nam mà tôi đã từng tham dự. Quả đúng là người Việt rất hiếu khách và cách chiêu đãi cũng rất độc đáo với các món ăn dân tộc rất đa dạng. Tuy nhiên, nếu mâm cao, cỗ đầy mà chỉ là vì xã giao thì thiết nghĩ cùng nhau nhâm nhi một ly cà phê và bàn bạc về những vấn đề cần quan tâm, cùng tìm ra những điểm chung của nhau cho những giải pháp sắp tới, cũng không phải là không có giá trị. Người nước ngoài đến Việt Nam không nhất thiết phải đến các nhà hàng sang trọng với những món ăn với giá tiền mà một người nông dân ở Việt Nam có thể ăn một tháng cũng không hết. Điều quan trọng là tấm lòng và chỉ có tấm lòng thực sự mới để lại những kỷ niệm sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế mà thôi.
Còn với những người con xa xứ, mỗi lần uống cà phê Việt Nam pha theo đúng cách, không ai không có cảm giác lâng lâng của một cơn say cà phê do quá chén, hay cái cảm giác minh mẫn và ngây dại của anh chàng đang yêu. Với những ai đã từng xa xứ và đang được hưởng những giọt cà phê trên quê hương Việt Nam, hãy trân trọng những giây phút đó bởi mỗi giây phút của cuộc đời chỉ đến một lần trong đời mà thôi. Với những ai đang là người viễn xứ, hãy đừng quên trong cái vị đăng đắng của những giọt cà phê đó là những gì ngọt ngào nhất đang chờ ta ở quê nhà. Với những ai sắp là người viễn xứ, hãy tận hưởng những giờ phút thanh bình mà cha ông đã để lại; để một mai, khi xa gia đình, xa quê hương sẽ có thể mang theo những ký ức đẹp đẽ đó và sau này khi quay trở về sẽ mang những điều mới lạ vun đắp cho thế hệ sau này.
Đăng Chức Tổng hợp
Từ nguoivienxu.vietnamnet.vn